Từ 1979 đến 1985 Chiến_tranh_Lạnh

Học thuyết Reagan

Xem thêm thông tin: Ronald Reagan

Vào năm 1980, Ronald Reagan đã đánh bại Jimmy Carter trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Khi trở thành tổng thống, Reagan đã đảo ngược chính sách "Giảm căng thẳng" với Liên Xô, tăng mạnh chi tiêu cho quân sự và quyết tâm loại bỏ tầm ảnh hưởng của Liên Xô ở mọi nơi trên thế giới [102]. Reagan gọi Liên Xô là "đế quốc tà ác" đồng thời tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ sớm sụp đổ và sẽ bị bỏ lại trong "đống tro tàn của lịch sử" [103][104]. Thủ tướng Anh Thatcher cũng lên án mạnh mẽ Liên Xô và tố cáo chính quyền Liên Xô "Âm mưu thống trị thế giới" [105][106].

Dưới một chính sách chống cộng quyết liệt được biết đến như học thuyết Reagan, Reagan và chính phủ của ông cung cấp trợ giúp công khai và cả bí mật cho các phong trào chống cộng sản trên toàn thế giới đặc biệt là tại Châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin với mục tiêu lật đổ các chính phủ cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn tại những khu vực này.

Tháng 3 năm 1983, Reagan giới thiệu Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (viết tắt theo tiếng Anh là SDI), một dự án quốc phòng mà sẽ sử dụng các hệ thống có căn cứ trên không gian và mặt đất để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân liên lục địa chiến lược. Reagan tin rằng lá chắn quốc phòng này có thể khiến cho chiến tranh hạt nhân không thể xảy ra [107][108]. Nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov thì nói rằng SDI sẽ đặt "toàn thế giới trong nguy cơ chạy đua vũ trang".[109]. Một số nhà phân tích Liên Xô cho rằng việc Reagan đưa ra dự án SDI là một chiến thuật nhằm đẩy Liên Xô vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn với Hoa Kỳ với mục đích làm suy yếu nền kinh tế của Liên Xô vốn đang rơi vào tình trạng trì trệ. Nhiều nhà phân tích Phương Tây thì lại cho rằng chương trình SDI của Reagan đã làm cho Liên Xô nhận ra rằng hệ thống kinh tế và xã hội của nó không thể duy trì cuộc đua vũ trang với Hoa Kỳ, buộc giới lãnh đạo Liên Xô phải tìm kiếm những giải pháp nhượng bộ và cuối cùng chấp nhận thất bại [110]Vì những lý do đó, David Gergen, một cựu phụ tá của Tổng thống Reagan, về sau đã tin rằng chính SDI đã góp phần giúp kết thúc cuộc chiến tranh lạnh một cách nhanh chóng hơn.[111]

Cuộc tập trận Able Archer năm 1983

Châu Á

Cách mạng Hồi giáo Iran

Bài chi tiết: Cách mạng Hồi giáo

Cách mạng Hồi giáo Iran (hay còn được biết với tên Cách mạng Iran, Cách mạng trắng[112][113][114][115][116][117], Tiếng Ba Tư: انقلاب اسلامی, Enghelābe Eslāmi) là cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế thân Mỹ do Shah Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu, thành lập quốc gia Cộng hòa Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini, người lãnh đạo cuộc cách mạng và là người khai sinh ra nước Cộng hòa Hồi giáo[118] Cuộc cách mạng đã thay thế chế độ quân chủ chuyên chế thân Phương Tây bằng một chế độ có tư tưởng chống Phương Tây quyết liệt bị phương Tây cho là "độc tài thần quyền"[119],

Năm 1953, Thủ tướng Mohammad Mossadegh, người đã quốc hữu hóa các mỏ dầu của đất nước, được bầu vào chiếc ghế thủ tướng thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Nhờ cuộc đảo chính do CIAMI6 giật dây, có mật danh Chiến dịch Ajax, Mossadegh bị lật đổ và bắt giam, còn Vua Shah thì quay trở lại ngai vàng. Tư tưởng của người Iran vẫn cho rằng Anh và Mỹ chịu trách nhiệm trong sự phá hoại tiến trình dân chủ này của Iran. Vua Shah duy trì mối quan hệ thân cận với Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây khác, và thường được các chính quyền tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ vì các chính sách và sự thù nghịch đối với Chủ nghĩa xã hội của ông.

Chế độ của vua Shah không được nhân dân ưa chuộng: Quần chúng nhận thức rằng vua Shah chịu ảnh hưởng lớn - nếu không nói là con rối - của thế lực phi Hồi giáo phương Tây (chỉ Hoa Kỳ)[52][53], nơi mà nền văn hóa của nó đang làm ô uế đất nước Iran; rằng chế độ của Shah ngột ngạt, thối nát, và ngông cuồng[54][55].

Lãnh tụ cách mạng Ayatollah Khomeini tuyên bố rằng đã có 60.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã "tử vì đạo" (bị sát hại) dưới chế độ của Shah[120] và con số này xuất hiện trong Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran[121]. Một thành viên của quốc hội Iran đã đưa ra con số "70.000 chiến sĩ tử đạo và 100.000 bị thương khi tiêu diệt chế độ độc tài thối nát"[120].

Các cuộc biểu tình chống lại Shah bắt đầu vào tháng 10 năm 1977. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1978, các cuộc đình công và biểu tình đã làm tê liệt đất nước Iran. Trước sức ép của quần chúng, vua Shah rời Iran để sống lưu vong vào ngày 16 tháng 1 năm 1979. Chế độ quân chủ sụp đổ sau ngày 11 tháng 2 khi quân du kích và quân nổi dậy đánh bại quân đội trung thành với Shah, đưa Ayatollah Ruhollah Khomeini lên nắm quyền chính thức và lập nên nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Một số nguồn tin về sau cho rằng Hoa Kỳ thực sự đã bật đèn xanh để Khomeini lật đổ chính quyền của Shah. Đã có bằng chứng được đưa ra cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho Khomeini bằng cách chuyển 150 triệu USD vào tài khoản ngân hàng khi ông ta tị nạn ở Pháp[122]. Một biên bản ghi nhớ của CIA với Khomeini và Shah đã nói rằng: tuy Khomeini quyết tâm lật đổ Shah và không chấp nhận thỏa hiệp, và ông trong quá khứ đã từng hợp tác với các nhóm khủng bố Hồi giáo, nhưng Khomeini cũng chống chủ nghĩa Cộng sản triệt để như Shah, do đó Mỹ sẵn sàng tài trợ cho Khomeini để đảm bảo dù Shah có bị lật đổ hay không thì Iran sẽ có một chính phủ chống Cộng[123]

Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan

Vào tháng 4 năm 1978, Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) đã lên nắm quyền lực ở Afghanistan sau cuộc Cách mạng Saur và tuyên bố đưa đất nước đi theo chủ nghĩa cộng sản. Tình hình bắt đầu trở thành nghiêm trọng sau một loạt những sáng kiến cải cách của chính phủ của Tổng thống Taraki với mục tiêu nhổ bật "gốc rễ chế độ phong kiến" trong xã hội Afghanistan[124]. Những biện pháp cải cách đó mang lại một số thay đổi tiến bộ, nhưng chúng được thực hiện theo cách thức tàn bạo và vụng về[125]. Xã hội nông thôn Afghanistan phần lớn vẫn tuân theo truyền thống Hồi giáo và các bộ tộc, và những cuộc cải cách ruộng đất đe dọa những nền móng của nó; tương tự việc cải cách giáo dục và tăng quyền tự do cho phụ nữ bị coi là hành động tấn công Đạo Hồi. Vì thế, sự phản kháng chống lại những cuộc cải cách ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong vòng vài tháng, phe đối lập với chính phủ đã khởi xướng một cuộc nổi dậy ở miền đông Afghanistan, cuộc nổi dậy nhanh chóng mở rộng thành một cuộc nội chiến do các chiến binh nổi dậy, được gọi là Mujahideen, tiến hành chống lại các lực lượng của chính phủ Afghanistan trên toàn quốc. Mujahideen coi việc người Cơ đốc hay người Xô viết vô thần kiểm soát Afghanistan là một điều "báng bổ Hồi giáo" cũng như văn hóa truyền thống của họ. Họ đã công bố một cuộc “jihad” (thánh chiến) với mục tiêu lật đổ chính phủ Afghanistan. Những người nổi dậy Mujahideen đã được huấn luyện quân sự và cung cấp vũ khí bởi Pakistan và Trung Quốc, trong khi Liên Xô gửi hàng ngàn cố vấn quân sự để hỗ trợ chính phủ PDPA. Vào giữa năm 1979, Hoa Kỳ đã bắt đầu một chương trình bí mật để cung cấp vũ khí cho những chiến binh mujahideen.

Đến tháng 4 năm 1979, Afghanistan thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chính phủ Afghanistan đã thẳng tay trấn áp những người phản đối, tử hình hàng ngàn tù nhân chính trị và ra lệnh giết hại dân thường không vũ trang [126], khiến những nhóm vũ trang chống lại chính phủ ngày càng nhận đuơc sự ủng hộ của nhân dân. Vào tháng 9 năm 1979, Tổng thống Khalqist Nur Muhammad Taraki đã bị ám sát trong cuộc đảo chính do một thành viên của PDPA vốn bất bình với Taraki là Hafizullah Amin tiến hành, Amin sau đó đảm nhận chức tổng thống. Amin không nhận được sự tin tưởng từ Liên Xô, vì vậy vào ngày 24/12/1979 Liên Xô đã đổ quân vào Afghanistan và lật đổ chính quyền của Amin. Một chính quyền thân Liên Xô, đứng đầu là Babrak Karmal Parcham được dựng lên để lấp đầy khoảng trống quyền lực. Quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan với số lượng ngày một lớn với lí do là để đảm bảo ổn định tình hình tại Afghanistan dưới quyền Karmal. Tuy vậy, Hồng quân đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt từ phe nổi dậy. Kết quả là Liên Xô đã dần dần bị lún sâu vào chiến sự tại Afghanistan. Quân đội Liên Xô chiếm giữ hầu hết các thành phố và các đường giao thông chính, trong khi mujahideen tiến hành chiến tranh du kích với các nhóm nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn. Liên Xô đã sử dụng không quân ném bom trên quy mô lớn, san bằng các ngôi làng ở nông thôn vốn là nơi trú ẩn của các mujahideen, phá hủy các mương tưới tiêu quan trọng và khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Các trận lụt sau đó làm phát sinh dịch sốt rét, nhất là ở tỉnh Nangarhar[127][128][129]

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết phản đối sự can thiệp của Liên Xô[130][131]. Phương Tây coi cuộc tấn công của Liên Xô là hành vi "xâm lược", và Mỹ đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội 1980 tại Moscow. Đáp trả lại, Liên Xô cũng tuyên bố tẩy chay Thế vận hội mùa hè 1984 tại Los Angeles. Trong khi đó, Ấn Độ, một đồng minh thân cận của Liên Xô, đã ủng hộ chiến dịch của Liên Xô và cung cấp hỗ trợ tình báo và tiếp vận quan trọng cho quân đội Liên Xô. Trong các quốc gia Khối Warszawa, chỉ có România là chỉ trích Liên Xô.[132] Liên Xô ban đầu lên kế hoạch để ổn định chính phủ dưới sự lãnh đạo mới của Karmal, và rút lui trong vòng sáu tháng hoặc một năm. Nhưng họ đã gặp phải sự phản kháng dữ dội từ các mujahideen và bị mắc kẹt trong một cuộc chiến đẫm máu kéo dài chín năm. Cái giá về quân sự cũng như về ngoại giao chẳng bao lâu là quá cao cho Liên Xô [133]. Vì đó là một cuộc chiến tranh dai dẳng nó thỉnh thoảng được ví là cuộc "chiến tranh Việt Nam của Liên Xô" hay "cái bẫy gấu" bởi báo chí Phương Tây[134][135][136] Năm 1989, Liên Xô rút quân về nước, trong khi chiến tranh giữa các phe phái ở Afganistan tiếp tục diễn ra cho tới khi Taliban lên nắm quyền.Cuộc chiến đã có những tác động rất lớn đối với Liên bang Xô viết và thường được nhắc đến như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991.

Campuchia và Khmer Đỏ

Từ 1975-1978, tin vào sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc, chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia đã nhiều lần tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam, tàn sát thường dân, đánh phá các cơ sở kinh tế và quân sự dọc biên giới với mục đích làm kiệt quệ đối phương. Họ đã bị chính quyền và quân đội Việt Nam đổ quân đánh bại năm 1979 và lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia và đưa Hun Sen lên làm thủ tướng.

Dù đã bị đánh sụp, Khmer Đỏ vẫn được hậu thuẫn bởi Cộng hòa Nhân dân Trung HoaHoa Kỳ, vì muốn cô lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lúc đó đang được Liên Xô hỗ trợ. Trong giai đoạn 1979-1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng với MỹThái Lan, vào thời kì mặn nồng nhất của quan hệ Trung-Mỹ, đã cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và căn cứ để tiếp tế cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho bính lính Khmer Đỏ.[137] Khmer Đỏ tiến hành các hoạt động buôn lậu gỗ và đá quý, nhận hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, Mỹ thông qua quân đội Thái.[138] Tổng cộng, theo cựu tổng thống Lý Quang Diệu, trong khoảng thời gian một thập kỷ, Khmer Đỏ nhận được hỗ trợ từ khối ASEAN, Mỹ và Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ dollar.

Tổ chức cứu trợ khẩn cấp Campuchia của Mỹ, dựa vào đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, đã nuôi dưỡng và hỗ trợ Khmer đỏ để tiếp tục chống lại chính phủ mới của Campuchia do Việt Nam hậu thuẫn. Dưới sức ép của Mỹ, Chương trình Lương thực thế giới đã cung cấp lương thực cho 20.000 đến 40.000 lính Khmer đỏ. Suốt một thập kỷ sau đó, cơ quan tình báo quân đội Mỹ đã giúp Khmer đỏ do thám qua vệ tinh, đồng thời các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Anh hướng dẫn quân Khmer đỏ đặt hàng triệu quả mìn bộ binh khắp miền Tây Campuchia[139]

Dù bị lật đổ, Khmer Đỏ tiếp tục giữ ghế tại Liên Hiệp Quốc, đại diện bởi Thiounn Prasith. Các chính phủ phương Tây tiếp tục ủng hộ Khmer Đỏ tại Liên hiệp quốc và bỏ phiếu ủng hộ Khmer Đỏ giữ ghế tại đây[140] Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng dùng quyền của mình ở Liên Hiệp quốc để giữ ghế đại diện cho Khmer Đỏ, nên dù chỉ còn là một nhóm du kích trong rừng nhưng Khmer Đỏ lại được coi là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Campuchia.[141] Dù Việt Nam đề nghị rút quân để đổi lại một thỏa thuận chính trị nhằm loại trừ việc Khmer Đỏ quay trở lại nắm quyền lực, nhưng ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ coi điều này là không thể chấp nhận được.[142]

Mỹ Latinh

Các nhóm phiến quân Contras

Thuật ngữ Contras là hàng loạt nhóm vũ trang cánh hữu được Hoa Kỳ hỗ trợ tài chínhvũ khí, hoạt động từ năm 1979 đến đầu thập niên 1990. Các nhóm này hoạt động chống lại chính quyền hội đồng Tái Thiết Dân tộc Nicaragua của Đảng Sandinista cánh tả theo chủ nghĩa xã hội. Chính quyền Sandinista nhận được sự hậu thuẫn từ Liên XôCuba. Trong số các nhóm contra tại Nicaragua, nhóm Lực lượng dân chủ Nicaragua (FDN) nổi lên như là nhóm lớn nhất.

Từ giai đoạn ban đầu, các nhóm Contras nhận được hỗ trợ tài chính và quân sự từ Chính phủ Hoa Kỳ, và sức mạnh quân sự của họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ này. Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua việc cấm hỗ trợ, chính quyền của Tổng thống Reagan vẫn tiếp tục âm thầm hỗ trợ contras. Các hành vi âm thầm hỗ trợ này đã lên đến đỉnh điểm trong vụ Iran-Contra.

Trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Nicaragua, lực lượng Contras đã có hàng loạt hành động vi phạm nhân quyền và sử dụng các chiến thuật khủng bố,[143][144][145][146][147] thực hiện hơn 1300 cuộc tấn công khủng bố.[148] Các hoạt động trên được thực hiện một cách có hệ thống theo chiến lược của lực lượng này. Những người ủng hộ quân Contras đã cố gắng che giấu các hoạt động này, nhất là chính phủ Hoa Kỳ khi đó đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền nhằm để công chúng có thiện cảm hơn đối với lực lượng contras.[149]

Năm 1986, tại Mỹ xảy ra vụ bê bối Contragate. Scandal này có dính líu tới các quan chức cao cấp của Mỹ, họ bí mật bán vũ khí cho Iran trong khi quốc hội Mỹ đã có lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Iran. Kế hoạch ấy được bịa ra dưới một câu chuyện khác nhằm bảo đảm việc phóng thích tù nhân Mỹ tại Iran, khiến dư luận Mỹ phẫn nộ. Tiền kiếm được trong đợt buôn bán sau đó đã được Mỹ bí mật dùng để tài trợ cho các nhóm phiến quân Contras ở Nicaragua. 11 thành viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan đã bị kết án sau một loạt các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối này.

Mỹ xâm lược Grenada

Bài chi tiết: Mỹ xâm lược Grenada

Cuộc tấn công Grenada hay còn gọi là chiến dịch Urgent Fury là cuộc xâm lược của Mỹ vào Grenada năm 1983. Grenada là một quốc đảo Caribbean với 91.000 dân, nằm cách Venezuela 160 km (100 dặm) về phía bắc. Năm 1983, một chính phủ cánh tả được thành lập ở Grenada, và được Cuba ủng hộ.

Vào ngày 25/10/1983, Mỹ cùng với các đồng minh trong Lực lượng phòng vệ Đông Caribe xâm chiếm Grenada. Hoa Kỳ đã biện minh cho vụ xâm lược bằng một loạt các lý lẽ, mặc dù Liên Hợp Quốc, Canada và Anh Quốc coi hành động này là một sự vi phạm chưa từng thấy luật pháp quốc tế.[150] Tương quan 2 bên khá chênh lệch, quân Mỹ có khoảng 7300 quân và có sự yểm trợ của lực lượng Không quân Hải quân Mỹ, ngoài ra còn có binh lính của một số nước đồng minh của Mỹ trong khu vực Caribe như Barbados, Jamaica trong khi đó Grenada chỉ có 1200 quân, trong đó có khoảng 900 quân tới từ Cuba và một số cố vấn quân sự tới từ các nước thuộc khối XHCN: Liên Xô, Đông Đức, Bắc Triều Tiên.

Trong cuộc tấn công, lực lượng Hoa Kỳ chỉ gặp phải sự kháng cự vừa phải của một lực lượng nhỏ quân đội Cuba và Grenada. Tổng cộng có 19 lính Mỹ thiệt mạng và 116 người bị thương, 3 trực thăng bị rơi. Phía Grenada có 45 người chết, 337 người bị thương, ngoài ra còn có 24 người Cuba thiệt mạng. Bên cạnh những tổn thất quân sự, 24 thường dân Grenada thiệt mạng, trong đó có 18 người thiệt mạng do Không quân Mỹ ném bom trúng một bệnh viện tâm thần ở Grenada.

Kết quả của cuộc tấn công này là chiến thắng dành cho Mỹ sau vài tuần, lập nên một chính phủ mới thân Mỹ cho Grenada.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Lạnh http://archives.cbc.ca/IDD-1-71-274/conflict_war/c... http://www.moreorless.au.com/killers/ceausescu.htm... http://www.bookofhorriblethings.com/ http://www.brill.com/legacy-nuremberg-civilising-i... http://www.britannica.com/eb/article-32981 http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/ http://www.conelrad.com/ http://www.emadbaghi.com/en/archives/000592.php#mo... http://books.google.com/books?id=SvSZHgAACAAJ&dq=D... http://books.google.com/books?id=WDgBBzWQ2DAC&pg=P...